Monday, June 13, 2022

Th/Úy Ngôn Nguyễn Đoàn Công Tác 72 - Tình Cha Phương Lâm (Ngày Quân Lực 19.6.2022)

Tình Cha .                                                                    

Yêu thương Cha Mẹ, là tình cảm thiêng liêng, không bút mực nào ghi tã, không ngôn từ nào diễn đạt trọn vẹn.

 “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha” 

Cha luôn có cách yêu thương của Cha, tình yêu không lộ nét ngọt ngào, nhưng dạt dào thương mến, yêu thương trong im lặng, qua ánh mắt, liếc nhìn,  chút mỉm cười, đó là lá chắn che chở cho đời con .

Phương Lâm.

 Làng Đại là làng Thiên Chúa Giáo ròng, chìm nổi theo ngày tháng thăng trầm của lịch sử, làng nổi tiếng  có đồn Hương Vệ đánh Việt Minh, làng đã anh dũng chiến đấu không cho Cộng quân tràn vô  chém giết  như các nơi khác trong ngày đầu xuân Mậu Thân, nhưng qua năm 1970 làng không chịu nổi họng súng của các Sư đoàn lính Cộng quân Bắc Việt  tràn qua, không chịu nổi những loạt đạn pháo nặng nề của hai bên, làng bị bình địa 100%, nhà thờ, nhà ở, không còn viên gạch nào trên viên gạch nào, lũy tre, hàng dừa, cây mít, tất cả không còn một chút chi di chứng, làng đã trở thành ao sâu, thành hồ lớn, dân làng bị bom đạn ăn mất  bảy tám chục phần trăm, gạt nước mắt  trước cảnh tử biệt chia ly, trước cảnh hoang tàn bình địa của  chiến tranh, người dân còn sót lại  dắt dìu nhau trốn chạy, thoát ra khỏi vùng lửa đạn, xuôi về các tỉnh phía Nam, còn lại vài ba chục gia đình,  bà con phân tán mỗi người một nơi  chăm lo cuộc sống ít khi liên lạc với nhau, từ đó làng Đại coi như xóa sổ, năm 1970  phần đất làng Đại nằm trong vùng bị chiếm đóng của quân Bắc Việt,  trước cảnh  ruộng hoang vườn trống dân miền ngoài theo chân quân lính Bắc Việt tràn vào hôi của, xúm lại lấp hố bom chia nhau đất ở, từ đó làng Đại đổi chủ. 

Sau tháng tư năm 1975 một gia đình gốc làng Đại về trình diện chính quyền xin trở lại nguyên quán tăng gia sản xuất, chính quyền lúc đầu không thuận, nhưng sau cũng phải chấp nhận cho gia đình  bốn người, có lẽ họ chấp thuận vì hai cô con gái một mười tám, một mười sáu, xinh như hoa, người vợ trạc tuổi ba bảy bốn mươi, người chồng  mặt mày hốc hác què hai chân ngồi trên chiếc xe đẩy  trùm tấm vải phủ  lên che kín bắp đùi, cổ xe đẩy đã cũ lớp bao bố bọc phần dưới chỗ người què ngồi như cái thùng lấm lem đất bụi, họ quan sát kỷ người chồng ngồi trên xe lăn hỏi vì sao bị cụt chân, người vợ trả lời:

-Đi chặt củi bị vướng bom mìn, hai chân cụt,  tiếng nổ lớn  điếc luôn  hai tai,  thần kinh thị giác bị đứt, mắt mở to vậy mà không thấy.

 Đó là gia đình Đoàn Quang Văn xin trở về nơi chôn nhau cắt rốn, họ tứ cố vô thân, không bà con, không người quen biết, Hợp Tác Xả thông cảm hoàn cảnh đặc biệt của gia đình này, nên cho ở tạm  trong góc nhà đội, nhà đội là nhà để chứa lúa thu của nông dân trước khi chuyển đi đâu đó, cũng là nơi làm việc, nơi hội họp của các quan viên trong ban điều hành hợp tác xả.

 Người đồng đạo các làng kế bên năm 1970 bị kẹt lại không chạy thoát được, nghe tin làng Đại có người quay về, họ kéo đến thăm chia sẻ tinh thần cũng như vật chất, nhờ tình thương chơn chất của họ, kẻ giúp  tấm tranh người cho thanh tre họ phụ nhau lại che cho gia đình anh chị Văn cái trại, chui ra chui vào  đụt mưa trốn nắng. 

Gia đình anh Văn mau chóng được giải quyết công ăn việc làm. chị Văn được phân vào đội lao động, ngày ra ruộng tám tiếng cuối vụ trả công bằng lúa, hai cô gái nhờ có sắc  và là học sinh miền Nam nên được trọng dụng, làng bị Cộng quân chiếm  năm 1970 nên tất cả rập khuôn miền Bắc, làng có nhà  giữ con mọn cho các bà mẹ ra đồng, có lớp con nít lớn hơn gọi là nhà trẻ kiêm mẫu giáo, hai chị em được nhận  vào làm việc  hai nơi này, ngày tám tiếng cuối vụ cũng được trả lương bằng thóc như mọi người,  anh què Văn phi lao động có làm có ăn không làm thì chịu khó nhịn, đó là tính ưu việt của  nhà nước xã hội chủ nghĩa VN.

 Sau khi mọi người  trong gia đình ra khỏi nhà, anh Văn cửa đóng then gài, không tiếp ai, mà cũng chẳng ai tìm anh, vì làng bây giờ toàn là dân miền ngoài chẳng ai quen biết, họ không biết anh và họ cũng chẳng quan tâm người  què đang sống trong làng Đại.

Các quan chức trong Hợp Tác Xã đều là bộ đội phục viên “lính giải ngủ” đủ cỡ tuổi,  trung niên có, thanh niên có, đứa nào cũng ngấp nghé nhìn trộm hai cô con gái con anh chị Văn, bọn họ thi nhau lấy điểm để lấy lòng hai chị em, cô gái lớn đã lọt vào tầm ngắm mê say của tên bí thư chi bộ đảng, hắn có vợ có con đang ở trong làng, cô em thì trong tầm săn của tay công an xã, nội bộ Hợp Tác Xã bắt đầu phân rẻ vì nhan sắc hai cô bảo mẫu, anh Văn nhắc hai con, cách cư xử hằng ngày  trong giao tiếp, ai cũng như ai, không tỏ ra thân thiết cũng không lạnh nhạt.

 Riêng tay bí thư đảng thì luôn mở những buổi họp bất thường vào ban đêm thành viên tham dự là  các ban trong hợp tác xả  trong đó có hai cô nhà trẻ.

 Một hôm cô em bị bệnh không đi họp được, cuối buổi họp mọi người ra về, đồng chí bí thư đảng mời cô giáo chị ngồi lại, các quan trẻ mấy lâu ni ngắm nghé cô giáo nghe  vậy không mấy vui vì họ biết  ý đồ của người trưởng đảng của họ, bài học này họ đã thuộc, đảng trưởng của họ đã diễn  mấy lượt rồi, cô giáo nhà trẻ là đóa hoa chung,  cùng nhau tranh tài cao thấp còn kiểu lấy thịt đè người, lấy to đè nhỏ dùng quyền để  phỗng tay trên như các lần trước họ không bằng lòng, họ không chịu về cùng nhau nán lại, âm thầm đi quanh hè nhà lắng tai nghe ngóng để coi đảng trưởng dở trò gì . Ở trong nhà dưới ánh đèn dầu hôi le lói đồng chí bí thư đảng ba hoa chích chòe,  mang tới cho cô giáo một xấp giấy nói :

- “ Em đem về nhà nghiên cứu điều lệ tui sẽ giới thiệu làm đối tượng đảng, đối tượng một thời gian rồi vô đảng”,  nói xong ông ôm lưng cô giáo, cô giáo hết hồn la lớn:

-Ô ! Ô ! Chú làm chi rứa, chú thả con ra.

Bên ngoài  phên rơm các quan trẻ can thiệp bằng tiếng vỗ tay, tiếng cười rộ, ông bí thư đảng đành buông cô giáo, lớn tiếng chửi mấy đứa đứng ngoài, ông xuống nước nhỏ với cô giáo rồi hai người ra cửa, ông đưa cô giáo về tận ngõ.

 Vợ chồng anh Văn nghe con gái về nói lại như vậy họ lo lắng cho con, trong hoàn cảnh này không trước thì sau con gái họ thế nào cũng gặp họa do thằng đảng này gây nên, vì hắn là vua ở đây, muốn gì mà  không được, thưa ai kiện ai .

Đêm cuối tháng âm lịch trời tối om, người ta nói tối như mực, lại có cuộc họp bất thường của hợp tác xả tại nhà đội, anh Văn dặn  hai con:

- Hai chị em  đi họp  xách theo lồng đèn, khi  tan họp nếu ông đảng đề nghị  ngồi lại chơi với ông thì cứ ngồi lại  để cho mọi người về hết rồi hai đứa con về sau, khi ra cửa đứng xa ông đảng, đưa đèn lồng lên  cao cho ông thấy để ông khóa cửa nhà đội.

 Theo lời Ba dặn họp  xong hai chị em ngồi lại nhờ ông đảng trưởng hướng dẩn vài điều  trong bản nội quy  nhập đảng, họ nói chuyện tới khuya, mấy người thanh niên đêm nay không rình, họ biết bên trong có 2 chị em cô giáo ông đãng có mọc sừng cũng không dám dở trò.

 Nói chuyện tới khuya họ cùng ra về, ra cửa cô giáo đưa cây đèn lên cao cho ông bí thư  thấy khoen móc khóa cửa, khóa xong ông vừa  quay mình lại, tiếng vù rít lên trong không khí bay ngang qua đầu họ, tiếng bụp khô khan như tiếng búa bổ củi, ông bí thư dội ngược lui sau ôm mặt la:

-Đau quá, đau quá, ôi trời ơi .

Bóng đen vụt nhanh vào bóng tối.

Ông đãng ôm mặt rống to lên rồi nằm im, sự việc xảy ra quá nhanh hai chị em sợ quá không biết chuyện gì, thấy ông đãng nằm bất động chắc ông đã chết, hai chị em chạy ra sân rán sức la  làng :

-Cứu với ! cứu với !

 Họ nhanh trí chạy tới gõ mạnh vào ống đạn  dùng làm kẻng của nhà đội, bà con gần đó xách lồng đèn chạy tới, hỏi chuyện gì, tại sao,  không ai trả lời được vì chẳng ai biết tại sao và chuyện gì, họ vực ông đãng lên, hai chị em cô giáo nhắm mắt lại không dám nhìn, đám  quan trẻ trong ban điều hành hợp tác xã thay nhau cõng  ông trưởng đảng tới trạm xá xã, trạm xá xã bó tay, đám quan trẻ đứa xách đèn xúm nhau đưa  ông đảng lên trạm xá huyện, sáng hôm sau tin  từ trạm xá huyện cho biết,  ông đãng bị  vật cứng đánh mạnh  gãy xương sống mũi phần trên, vở  hai tròng  mắt, trạm xá huyện đã chuyển  bệnh nhân lên tuyến trên, thế là từ nay trong làng có thêm một ông đãng mù .

Công an xả bắt đầu vào cuộc điều tra, tay công an này mấy lâu nay trồng cây si cô giáo út, hơn tháng trời  điều tra đủ các hạng người trong hợp tác xã, các đối tượng được  hắn chú ý là các quan trẻ trong ban điều hành hợp tác xã, hắn nghi ngờ do các tay trẻ  bị ông đảng trưởng dùng uy quyền lấn lướt nên ghen tức cố tình gây án, biết vậy nhưng mò mãi vẫn chưa mò ra thủ phạm, đây cũng là dịp may hiếm có để tay công an đến gần cô giáo em.

Hai chị em  bị  triệu tập điều tra nhiều lần, hết chị rồi tới em, cuộc điều tra cô em kỷ hơn, kéo dài nhiều ngày, có khi lây qua đêm, rồi tuồng đời bắt đầu dở thói, cô giáo em về than thở hành vi của thằng này, mọi người  trong gia đình rất lo ngại cho những lần điều tra sắp tới, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, thằng này đầy mưu ma chước quỷ, anh Văn dặn hai con, luôn giữ lập trường ba không, không biết, không nghe, không thấy,  trước nói sao, sau nói vậy, dứt khoát không ấm ớ, nếu nói lung tung nó kiếm cớ thì họa tới cho hai đứa.

 Nhà thằng này ở cuối làng, vườn nhà hắn có cái hố  nước xanh ngắt do bom B 52 dội, nghe nói là loại bom phá địa đạo, dân làng không rõ độ sâu, miệng hố bom quá to, không đủ đất lấp nên để vậy múc nước dùng và làm hồ nuôi cá, nhà chỉ có hai mẹ con, thuộc hạng gia đình liệt sĩ, cha chiến sĩ đánh Mỹ chết trận, mẹ nữ anh hùng giao liên, chân bị què do trúng đạn khi làm nhiệm vụ,  đang hưởng chế độ ưu đãi của thương binh, hắn khá bảnh trai nhưng tàn nhẫn và độc ác, ai được hắn gọi tên không bị họa này thì cũng tai ương nọ. 

Cuộc điều tra cả tháng trời không tìm ra manh mối, hắn trình lên huyện chuyển hướng điều tra.

 Buổi sáng hôm ấy  hắn lên huyện nhận chỉ thị,  tối hôm đó đồng chí công an đi rình động tịnh trong làng, về tới sân nhà tay bưng chiếc xe đạp  bước lên thềm nhà, thềm nhà hắn được  đắp đất rất cao để tránh lụt, bà mẹ anh hùng ngồi trong nhà giật mình khi nghe tiếng thét của con trai:

-Ơi trời ơi đau quá.

Bà khập khiễng bưng đèn dầu chống nạng ra coi, con bà nằm im bất động, chiếc xe đạp nằm ngang trên người, bà chẳng biết chuyện gì xảy ra, con trai bà tại sao nằm im, bà la làng:

-Cứu tôi với!  cứu tôi với!

Cứ thế bà la cho đến khi hàng xóm xách lồng đèn chạy tới, làng xóm  phụ nhau cõng anh công an lên trạm xá xã sơ cứu, xã  chuyển tiếp lên các bệnh viện cao hơn để kịp chữa trị, sau này nghe tin anh công an được đưa vào bệnh viện 108 quân đội  để chữa, thương tích cũng trầm trọng không thua chi đồng chí đảng trưởng, nghe đồn có thể bị  tàn phế vì hai con mắt bị hư tròng.

Cơn sóng ngầm vỗ rung rinh làng Đại, chưa đầy hai tháng hai vụ  án hành hung cán bộ gây thương tích nặng xảy ra, dân trong làng xôn xao bàn tán, kẻ gây án là ai? Phe thù nghịch ? Phản động ? Hay tư thù cá nhân ?

  Huyện phái người về tiếp tục điều tra làm rõ vấn đề, các quan viên làm việc trong hợp tác xã thất điên bát đảo về những câu hỏi gán ép buộc tội, cuối cùng hai vụ án cũng đành  chìm xuồng, để theo dõi, từ đó các quan làm việc trong hợp tác xã ban đêm không ai dám ló đầu ra khỏi cửa.

Gia đình vợ chồng anh Văn đã sống tại làng Đại sáu năm,  một gia đình gương mẫu, Huyện cấp giấy khen là gia đình điểm, gia đình thi đua, gia đình tiên tiến, bao nhiêu mỹ từ của xã hội cộng sản đều trút lên gia đình anh chị Văn, có lẻ nhờ nụ cười dễ thương của hai cô giáo.

 Tháng chạp năm 1981 Hai cô giáo nộp đơn xin giấy tạm vắng về quê ngoại  tận chợ Gạo, Mỏ cày, Kiến Hòa thị xã Bến Tre đón xuân Tân Dậu .

Họ đi ăn tết kéo dài đến Ba mươi năm từ năm 1981 đến 2011.

 Năm 2011 vợ chồng anh Văn từ Mỹ trở về thăm làng Đại, bài ca Về Nhà Xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có mấy câu:

- “ Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn

Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn

Tôi lắng  nghe tâm tình nhân thế .

Rồi :

Nơi xưa quê nghèo

Nhà tranh vách nát tiêu điều

Tình xưa khôn hàn gắn

Người đã đi rồi, người về đâu có hay

Tiếp

Về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng

Anh có nghe trong lòng thu chết...

Đúng là ngơ ngác chim bay tìm đàn. 

Ba mươi mấy  năm những đứa bé ngày xưa trong mái tranh nhà mẫu giáo bây giờ đã thành mẹ thành bà, những thằng cu bây giờ cũng thành cha thành ông .

Làng Đại đã đổi thay. 

 “ Người đã đi rồi, người về đâu có hay” 

Người trong làng Đại gặp vợ chồng anh Văn họ gật đầu chào  hai người khách  lạ, sở dĩ vợ chồng anh Văn về làng Đại là vì hai đứa con gái anh có gửi tặng làng số tiền yêu cầu làng xây lại nhà trẻ và nhà mẫu giáo , vậy nên vợ chồng anh ghé qua làng Đại để coi thử làng có làm theo yêu cầu của hai con anh không.


Gia đình anh Đoàn Quang Văn trước năm 1975.

 Anh Đoàn Quang Văn nguyên là Thiếu Tá An Ninh Quân Đội. Hai đứa con gái  học nội trú ở Đà Lạt tình hình an ninh căng thẳng các tỉnh cao nguyên đã lọt vào tay cộng sản,  trường  đóng cửa hai đứa nhỏ ra Huế tìm Bố Mẹ, về tới Huế thì Huế lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, quân, dân như nhau, tranh nhau chạy loạn, cọng quân tha hồ nã  đạn pháo vào đám đông, xác người như rơm rạ phơi bên đường, chẳng ai khóc cho ai, chẳng ai chôn xác ai trong đám người chạy loạn đó có gia đình anh Văn, đưa vợ và hai con chạy dọc bờ biển Thuận An, anh trúng đạn pháo kích, bị thương, bắt buộc gia đình trở lại Huế, bệnh viện bỏ trống hai vợ chồng tự băng bó cho nhau,  tình hình bế tắc anh đành phải tìm nơi ở lại để điều trị vết  thương, rồi 30 tháng 4  ập tới, gia đình ôm nhau khóc, đi đâu bây giờ,  không biết phải đi đâu, vợ dại, con thơ, anh bình tỉnh đối phó với  hoàn cảnh bi đát này, anh liều cho dù tử thần tìm tới anh cũng vui vẻ chấp nhận. 

 Trước tiên  Huế không thể ở lâu được vì nhiều người biết anh,  anh là An Ninh Quân Đội ít nhiều cũng có kẻ không ưa anh, nhất là các quân nhân vô kỷ luật, anh liều mạng đưa  gia đình về  quê Quảng Trị, làng quê mà anh đã ra đi lúc còn bé, anh cũng biết  người làng anh bây giờ không còn ai,  toàn người lạ không ai biết  anh, anh lượm chiếc xe đẩy trong bệnh viện sửa lại chỗ ngồi, tập cách ngồi, lên kế hoạch cụt hai giò, mù, điếc, lấy vải bệnh viện thấm thuốc đỏ bọc quanh phần dưới cổ xe, để vợ đẩy về quê.

Anh đã qua mắt được chính quyền làng Đại,  hằng ngày vợ ra đồng con đi làm  nhà trẻ, anh đóng chặt cửa xuống xe làm việc  nhà, nuôi mấy con heo, chăm sóc đàn gà, một hôm nghe con gái lớn về nói chuyện hành vi  thằng đảng trưởng, vợ chồng ăn ở không yên, thương con, anh nghĩ muốn cứu con thì phải loại thằng này mà phải loại gấp trước khi hắn hành động.

 Còn thằng công an, thằng này quá nguy hiểm, điều kiện tiếp cận với con  gái của anh quá dễ,  anh thừa biết để đạt mục đích hắn có trăm mưu ngàn kế, vu oan chụp mũ,  cáo gian vu vạ, rồi ra tay nghĩa hiệp, đó là đường đi  là chính sách của những thằng bất nhân.

 Trước mắt con gái anh đang đối diện với vực thẳm, một đại họa đen tối đang chờ giết chết cuộc đời và tương lai con anh, xã hội như một bầy sói hoang, lạnh lùng, vô cảm, anh rùng mình run lên vì giận, anh rít lên:

- Đứa nào đụng tới con tao là chết. 

Bảo vệ con cả trăm phương ngàn kế

Trong đêm trường lặng lẽ ngắm nhìn con

Tuổi ô mai thời thơ mộng gông cùm

Nhìn phía trước ôi mịt mù đen tối

Vì thương con Cha  phần đa có tội

Định lỗi người hành xử thiếu từ bi

Thôi cũng đành chấp nhận một hướng đi

Bảo vệ con những gì Cha có thể .

PL.

 Tình Cha .

Con xin dâng lời thiết tha cầu nguyện

Thưa lên Ngài con hãnh diện Tình Cha

Quá bao la con suy nghĩ gọi là 

Cao tựa vầng Thái Dương

Rộng như biển vô bờ

Sâu tận đáy lòng từng nhịp thở con tim

Tình Cha làm sao diễn tả

Cha gật đầu yên phong ba bão táp

 Mắt Cha nhìn ấm áp tựa hồng than

Cha là lò sưởi giữa mùa đông giá rét

Là cánh én mang nắng hồng xuân thắm

Là bóng dim giữa trưa hè nắng nóng

Tình Cha cao sâu rộng giữa đất trời

Vầng Thái dương có khi mây phủ

Nguồn nước cũng có  khúc qua ghềnh 

Tình Cha dâng tràn trong  huyết quản

Khắp châu thân chẳng cạn bao giờ

Bao nhiêu giấy mực bao nhiêu vần thơ

Chỉ vỏn vẹn chữ kính thờ  Mẹ Cha .

Thu Seattle 2015.

“Chuyện thật gia đình này đang định cư ở CA".

No comments:

Post a Comment